Ca lâm sàng

GS.TS. Mai Trọng Khoa,

PGS.TS. Phạm Cẩm Phương, ThS. Trần Văn Oai

Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu – Bệnh viện Bạch Mai

 

Khoảng 10 năm trở về trước, ung thư phổi không tế bào nhỏ là loại ung thư có tiên lượng xấu, đặc biệt ở Việt Nam bệnh nhân thường phát hiện bệnh ở giai đoạn tiến triển và di căn nên thời gian sống còn toàn bộ chỉ khoảng dưới 1 năm. Với sự phát triển của sinh học phân tử khi tìm ra các dạng đột biến gen ở Ung thư phổi không tế bào nhỏ, cùng với đó là sự có mặt của các loại thuốc điều trị nhắm trúng đích tương ứng với các dạng đột biến đó, đã cải thiện đáng kể thời gian sống không bệnh tiến triển và thời gian sống toàn bộ cho bệnh nhân.

Đột biến gen EGFR (Epidemal Growth Factor Receptor: Thụ thể yếu tố phát triển biểu bì) là dạng đột biến phổ biến nhất, xảy ra ở 50% bệnh nhân Ung thư phổi không tế bào nhỏ ở châu Á. Trong các dạng đột biến EGFR thì 85% là đột biến “cổ điển” ở Exon 19 và Exon 21, số còn lại 15% là các đột biến hiếm từ Exon 18 đến Exon 25 của nhiễm sắc thể số 7. Hiện nay, tại Đơn vị Gen và Tế bào gốc của Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu – Bệnh viện Bạch Mai đã tiến hành thực hiện nhiều phân tích sinh học phân tử cho nhiều loại ung thư, và xét nghiệm đột biến gen EGFR ở bệnh nhân Ung thư phổi không tế bào nhỏ gần như được thực hiện thường quy để đánh giá tình trạng đột biến gen, cũng như xác định chính xác vị trí đột biến (trên exon bao nhiêu?) và loại đột biến (chuyển đoạn, mất đoạn, đột biến thay thế…), từ đó các bác sỹ lâm sàng có cơ sở để đưa ra quyết định điều trị phù hợp và mang lại hiệu quả cao nhất cho người bệnh.

Dưới đây là 1 ca lâm sàng bệnh nhân Ung thư phổi không tế bào nhỏ có đột biến gen EGFR dạng hiếm, được điều trị thành công tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu.

Bệnh nhân N.T.H.T, nữ, 55 tuổi.

Quê quán                  : Nam Định

Ngày vào viện          : 20.7.2019

Tiền sử bản thân khỏe mạnh, gia đình không có ai mắc bệnh liên quan.

Bệnh sử: Cách vào viện hơn 1 tháng, bệnh nhân xuất hiện tình trạng đau tức ngực phải, kèm theo ho khan nhiều, và khó thở nhẹ, gầy sút 3kg/1 tháng, đau nhức xương vùng chậu 2 bên, không ho khạc máu, không sốt. Bệnh nhân đi khám tại bệnh viện Đa khoa tỉnh, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực (CLVT) phát hiện khối u phổi gây xẹp phổi phải và tràn dịch màng phổi phải (hình 1), nên bệnh nhân được chuyển Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu – Bệnh viện Bạch Mai để đánh giá và xét điều trị.

H1 

Hình 1: Hình ảnh CLVT lồng ngực thời điểm phát hiện bệnh

(Vòng xanh: tràn dịch màng phổi, vòng đỏ: khối u phổi và xẹp phổi phải)

 Khám lúc vào viện:

-       Bệnh nhân tỉnh, thể trạng trung bình, toàn trạng PS=1.

-       Da niêm mạc hồng, không phù, không xuất huyết dưới da.

-       Phổi: Rì rào phế nang phổi phải giảm, không có rales.

-       Tim mạch: nhịp tim đều, rõ, không có tiếng thổi bệnh lý, HA=120/70mmHg.

-       Hạch ngoại vi không sờ thấy.

Cận lâm sàng:

+      Bệnh nhân được chọc dịch màng phổi để giải quyết tình trạng khó thở đồng thời lấy dịch làm Cell Block, kết quả mô bệnh học: Ung thư biểu mô tuyến di căn. Sau đó nhuộm hóa mô miễn dịch để xác định ung thư nguyên phát, kết quả là Ung thư biểu mô tuyến của phổi phổi di căn màng phổi. Trên mẫu bệnh phẩm này, chúng tôi tiến hành xét nghiệm phân tích gen, phát hiện đột biến Gen EGFR trên Exon 18.

+      Bệnh nhân còn được làm một số cận lâm sàng khác để chẩn đoán giai đoạn và đánh giá trước điều trị:

-       Xét nghiệm sinh hóa máu: Chức năng gan thận trong giới hạn bình thường, chất chỉ điểm u: CEA: 40,5ng/mL, Cyfra 21-1: 21ng/mL.

-       Siêu âm màng phổi: hình ảnh dịch màng phổi phải dày 100mm.

-       Chụp PET/CT với FDG-18, kết quả: Khối rốn phổi phải kích thước 55x52x54mm chèn ép gây xẹp phổi phải tăng hấp thu FDG, max SUV=12,43. Nhiều nốt màng phổi phải, nốt lớn nhất kích thước 16x14mm, tăng hấp thu FDG, max SUV=7,11, nhiều hạch trung thất, dịch màng phổi phải dày 75,5mm. Tổn thương xương chậu 2 bên và chỏm xương đùi phải tăng hấp thu FDG, max SUV=5,88 (hình 2).

-       Chụp Cộng hưởng từ sọ não, kết quả không phát hiện tổn thương thứ phát tại não (hình 3).

H2

Hình 2: Hình ảnh PET/CT trước điều trị: U phổi phải di căn hạch trung thất, màng phổi, xương…

 H3

Hình 3. Hình ảnh Cộng hưởng từ sọ não trước điều trị: không thấy tổn thương thứ phát

Chẩn đoán xác định:

-       Ung thư phổi phổi phải di căn hạch trung thất, màng phổi, xương T3N3M1c, giai đoạn IV.

-       Mô bệnh học: Ung thư biểu mô tuyến, đột biến EGFR dương tính trên Exon 18.

Sau khi hội chẩn hội đồng giáo sư, bệnh nhân được điều trị:

-       Thuốc kháng Tyrokinase thế hệ II: Afatinib 40mg, uống hàng ngày.

-       Truyền thuốc chống hủy xương Acid Zoledronic 4mg, mỗi 28 ngày.

Ngoài ra, bệnh nhân thỉnh thoảng vẫn còn triệu chứng khó thở khi vận động nên được dẫn lưu dịch màng phổi phải 4 lần tại Trung tâm.

Trong 1 tháng đầu điều trị bệnh nhân chỉ xuất hiện tình trạng nổi mẩn da mức độ nhẹ vùng mặt và 2 tay do tác dụng phụ của thuốc, tuy nhiên sau đó triệu chứng này giảm dần và biến mất.

Sau 3 tháng điều trị Afatinib bệnh nhân được đánh giá lại:

-       Lâm sàng đã cải thiện nhiều, bệnh nhân không còn triệu chứng đau xương, không còn ho, không khó thở.

-       Cận lâm sàng:

+ Xét nghiệm sinh hóa máu: các chỉ số đánh giá chức năng gan thận trong giới hạn bình thường, chỉ số chỉ điểm ung thư giảm về bình thường với CEA: 1,71 ng/mL, Cyfra 21-1: 1,61ng/mL.

+ Chụp cộng hưởng từ sọ não: Không thấy tổn thương thứ phát tại não.

+ Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực: Hình ảnh nốt ngấm thuốc nhỏ thùy dưới phổi phải kích thước 5x8mm, kèm theo xẹp phổi, không thấy dịch màng phổi. Có một số hạch trung thất, với hạch lớn nhất kích thước 16mm (hình 4).

+ Chụp cắt lớp vi tính ổ bụng: không phát hiện tổn thương thứ phát các tạng trong ổ bụng. Hình ảnh tổn thương đặc xương cuống sống T12 và cánh chậu 2 bên chưa loại trừ tổn thương thứ phát.

+ Xạ hình xương toàn thân: hình ảnh tổn thương xương khớp háng bên phải, khớp chậu cùng bên trái theo dõi tổn thương thứ phát (hình 5).

H4 

Hình 4. Hình ảnh Cắt lớp vi tính lồng ngực sau điều trị Afatinib 3 tháng

H5 

Hình 5. Hình ảnh xạ hình xương toàn thân MDP-Tc99m: tổn thương xương vùng chậu 2 bên (mũi tên)

H6

Hình 6. So sánh hình ảnh CLVT lồng ngực trước và sau điều trị

 Như vậy, sau 3 tháng điều trị, bệnh nhân có đáp ứng rất tốt với điều trị, các triệu chứng lâm sàng cải thiện nhiều, bệnh nhân đã có thể sinh hoạt và lao động bình thường và các xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy các tổn thương ở phổi, màng phổi đã không còn. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạch trung thất nhỏ và các tổn thương xương nên bệnh nhân sẽ tiếp tục được điều trị Afatinib và truyền thuốc chống hủy xương. Ngoài ra chúng tôi cũng phổi hợp với chuyên khoa dinh dưỡng để tư vấn cho bệnh nhân có chế độ ăn và chế độ sinh hoạt phù hợp nhất. Trong quá trình điều trị bệnh nhân sẽ được đánh giá định kì để theo dõi sự đáp ứng của bệnh.

ungthubachmai.vn

 

GS.TS. Mai Trọng Khoa,

ThS. Nguyễn Thị Hoa Mai, PGS.TS. Phạm Cẩm Phương

Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu – Bệnh viện Bạch Mai

 

 

 GS.TS. Mai Trọng Khoa, BSNT. Lê Viết Nam,

PGS.TS. Phạm Cẩm Phương, BS. Tống Thị Huyền

Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu – Bệnh viện Bạch Mai

 

Ung thư phổi là một trong các loại ung thư hay gặp nhất đồng thời cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do ung thư trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Theo GLOBOCAN 2018, trên thế giới số ca mới mắc của ung thư phổi đứng hàng đầu với hơn 2 triệu người/năm, tỉ lệ tử vong cũng cao nhất trong số các bệnh ung thư với 1,76 triệu người/năm (18,4%). Tại Việt Nam, tính chung cả 2 giới, tỉ lệ mới mắc cũng như tử vong của ung thư phổi đứng hàng thứ nhất với tỉ lệ lần lượt là 14% và 19,5%.

Bên cạnh cách phân loại giai đoạn bệnh theo TNM thì phân loại theo mô bệnh học cũng có ý nghĩa thiết yếu trong thực hành lâm sàng. Theo mô bệnh học, ung thư phổi chia thành 2 nhóm, ung thư phổi tế bào nhỏ (khoảng 15%) và ung thư phổi không tế bào nhỏ (khoảng 85%). Hiện nay, phần lớn bệnh nhân ung thư phổi được phát hiện khi bệnh ở giai đoạn tiến triển, nên hóa trị có vai trò quan trọng kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân. Đồng thời nhờ những tiến bộ trong lĩnh vực sinh học phân tử và miễn dịch đã mở ra nhiều lựa chọn cho bệnh nhân trong điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến triển. Các phương pháp điều trị mới có thể đề cập đến là điều trị miễn dịch, điều trị đích bằng các thuốc ức chế Tyrokinase và các thuốc kháng thể đơn dòng.

Sau đây, là ca lâm sàng bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến triển được điều trị kết hợp hóa chất tại Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai:

Họ tên bệnh nhân  : H.V.T, nam, 58 tuổi

Ngày vào viện         : 15/05/2019

Lý do vào viện        : Đau ngực phải

Tiền sử                     : Khỏe mạnh

Bệnh sử: Cách vào viện 1 tháng, bệnh nhân xuất hiện đau ngực phải, đau liên tục, kèm theo bệnh nhân có ho khạc đờm trắng, không khó thở. Bệnh nhân đi khám chụp phim cắt lớp vi tính lồng ngực phát hiện u phổi phải. Sau đó bệnh nhân được nhập viện Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai để chẩn đoán và điều trị tiếp.

Khám lúc vào viện:

- Bệnh nhân tỉnh, Glasgow: 15 điểm.

- Thể trạng trung bình, cao: 165cm, nặng: 58kg.

- Đau ngực phải, đau âm ỉ liên tục.

- Hạch ngoại vi không sờ thấy.

- Mạch: 85 lần/phút; Huyết áp: 120/70mmHg.

- Tim đều, phổi rì rào phế nang rõ, không có rale.

- Các bộ phận khác: chưa phát hiện bất thường.

Cận lâm sàng:

-   Xét nghiệm máu: Huyết học, đông máu cơ bản, sinh hóa máu bình thường.

-   Xét nghiệm chất chỉ điểm u: tăng.

CEA: 12,4ng/ml; Cyfra 21-1: 69,73ng/ml.

-   Siêu âm hạch cổ: Hạch thượng đòn phải kích thước 1cm, mất cấu trúc rốn hạch.

-   Cắt lớp vi tính lồng ngực: U thùy dưới phổi phải kích thước 56x81mm, ngấm thuốc sau tiêm. Khối mờ đỉnh phổi trái kích thước 28mm, nốt mờ nhỏ phân thùy lưỡi phổi trái.          

1  2

Hình 1: Hình ảnh chụp cắt lớp vi tình lồng ngực

- Sau đó bệnh nhân được sinh thiết phổi xuyên thành ngực dưới hướng dẫn cắt lớp vi tính.

- Giải phẫu bệnh: Ung thư biểu mô tuyến. Không có đột biến gen EGFR, PD–L1: âm tính.

- Chụp cộng hưởng từ sọ não: không có tổn thương bất thường.

3 

Hình 2: Hình ảnh chụp cộng hưởng từ sọ não có tiêm thuốc đối quang từ

- Chụp cắt lớp vi tính ổ bụng: không thấy tổn thương bất thường.

4

Hình 3: Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính ổ bụng

- Xạ hình xương: Không thấy tổn thương di căn xương.

 5

Hình 4: Hình ảnh xạ hình xương toàn thân

Chẩn đoán xác định: Ung thư biểu mô tuyến phổi phải di căn hạch, di căn phổi

T3N3M1 – Giai đoạn IV

Giải phẫu bệnh: Ung thư biểu mô tuyến, EGFR (-), PD–L1 (-)

Điều trị: Hóa chất phác đồ Paclitacel + Carboplatin + Bevacizumab

  1. oPaclitacel: 175mg/m2 da truyền tĩnh mạch ngày 1.
  2. oCarboplatin: 300mg/m2 da truyền tĩnh mạch ngày 1.
  3. oBevacizumab: 15mg/kg truyền tĩnh mạch ngày 1.

                     Chu kỳ 21 ngày.

Đánh giá sau điều trị 4 chu kỳ hóa chất:

-   Lâm sàng: Bệnh nhân ổn định, không khó thở, hết đau ngực, không ho.

Chỉ số

Trước điều trị

Sau điều trị

CEA (ng/ml)

12,4

2,68

Cyfra 21-1(ng/ml)

69,73

4,13





-   Xét nghiệm chất chỉ điểm u:

-   Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực: 

 

 6

 

 7

Trước điều trị: U phổi phải kích thước 56x81mm

 

Sau điều trị: U phổi phải kích thước 35x40mm

 

 8

 

9 

Trước điều trị: Khối mờ đỉnh phổi trái kích thước 28mm, nốt mờ thùy dưới phổi trái.

 

Sau điều trị: Khối mờ đỉnh phổi trái là dải xơ hóa, nốt mờ nhỏ thùy dưới phổi trái không còn.

Đánh giá kết quả điều trị: Đánh giá sau điều trị phác đồ Paclitacel + Carboplatin + Bevacizumab, bệnh đáp ứng một phần. Bệnh nhân tiếp tục được hội chẩn và điều trị tiếp đủ 6 chu kỳ hóa chất sau đó xét điều trị duy trì.

ungthubachmai.vn

 GS.TS. Mai Trọng Khoa, TS.BS. Phạm Văn Thái, BS. Nguyễn Đức Luân

 

Ung thư phổi không tế bào nhỏ hiện đang là bệnh ung thư đứng hàng số 1 về tỉ lệ mới mắc tại Việt Nam. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay, phần lớn bệnh nhân thường vào viện khi bệnh ở giai đoạn muộn (giai đoạn III, IV). Ở giai đoạn này, điều trị toàn thân là phương pháp điều trị chủ yếu. Các phương pháp điều trị toàn thân bao gồm: hóa chất, điều trị đích. Việc lựa chọn và lập kế hoạch điều trị phụ thuộc vào thể trạng, giai đoạn bệnh và mô bệnh học của từng bệnh nhân.

            Phương pháp điều trị hóa chất phù hợp với bệnh nhân thể trạng chung còn tốt, loại biểu mô tuyến nhưng không có đột biến gen EGFR, ung thư loại tế bào vảy… Trong các thuốc hóa chất, phác đồ hóa chất có Platinum đem lại thời gian sống thêm không tiến triển và thời gian sống thêm toàn bộ cao hơn so với các phác đồ khác trong nhiều nghiên cứu đã được công bố.

            Phương pháp điều trị sinh học trong ung thư phổi bao gồm: thuốc điều trị đích ức chế enzyme tyrosin kinanse (TKIs) hoặc chất ức chế tăng sinh mạch (anti-VEGF như thuốc Bevacizumab). Nhóm thuốc TKIs là lựa chọn bước 1 với bệnh nhân ung thư biểu mô tuyến có đột biến EGFR, đặc biệt là đột biến tại các exon 19 và 21 sẽ làm tăng sự nhạy cảm của thuốc. Trong một số nghiên cứu cho thấy đột biến tại exon 20 có thể gây kháng thuốc, những trường hợp này hóa chất là sự lựa chọn thích hợp. Những bệnh nhân phát hiện có đột biến gen EML4-ALK, có thể dùng thuốc crizotinib.

Với nhóm bệnh nhân không có đột biến gen EGFR, ALK, nếu không phải biểu mô vảy thì có thể điều trị hóa chất phối hợp với Bevacizumab. Ngoài ra, theo hướng dẫn điều trị của NCCN, nếu bệnh nhân có biểu hiện PD-L1 ≥1% thì có thể điều trị bước 1 bằng liệu pháp miễn dịch với Pembrolizumab. Có thể sử dụng đơn chất hoặc phối hợp với các phác đồ hóa chất.

Sau đây là ca lâm sàng một bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn IV không có đột biến gen EGFR và ALK được điều trị thành công bằng liệu pháp miễn dịch với Pembrolizumab.

vHành chính:

  • Bệnh nhân: K.K.H.
  • Giới: nam, Tuổi: 49 tuổi.
  • Nghề nghiệp: Kinh doanh.
  • Lý do vào viện: Ho khan kéo dài, đau tức ngực trái.

vBệnh sử: Trước vào viện hơn 2 tháng, bệnh nhân xuất hiện ho khan kéo dài, đau tức ngực trái. Kèm theo bệnh nhân thấy mệt mỏi, ăn kém, gày sút 2kg/tháng. Bệnh nhân đã tự dùng thuốc giảm ho, thuốc kháng sinh nhưng không đỡ. Bệnh nhân vào Trung tâm y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai để khám bệnh và điều trị.

vTiền sử:

  • Tiền sử bản thân: Khỏe mạnh.
  • Không có tiền sử dị ứng.
  • Hút thuốc lá 20 bao/năm.
  • Tiền sử gia đình: chưa phát hiện gì đặc biệt.

vKhám lúc vào viện:

  • Bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt.
  • Thể trạng trung bình, cao 165cm, nặng 63Kg.
  • Không phù, không xuất huyết dưới da.
  • Hạch ngoại vi không sờ thấy.
  • Tim mạch: Nhịp tim đều 80ck/ph. Tiếng T1, T2 rõ, không có tiếng thổi bệnh lý.
  • Hô hấp: Rì rào phế nang rõ không có rales.
  • Các cơ quan, bộ phận khác không có gì đặc biệt.

vXét nghiệm cơ bản lúc vào viện:

  • Công thức máu: Trong giới hạn bình thường.
  • Sinh hóa máu: Chức năng gan, chức năng thận trong giới hạn bình thường.
  • Chất chỉ điểm ung thư (Tumor markers): CEA tăng cao: 36,5 (ng/ml), Cyfra 21-1, NSE trong giới hạn bình thường.
  • Vi sinh: HbsAg (-), HCV (-)

vĐông máu cơ bản: Bình thường.

vChụp PET/CT:

  • Hình ảnh khối u phế quản gốc trái 4,6x4,3cm, maxSUV=13,84. Nốt mờ phổi phải 0,7cm, maxSUV=1,99.
  • Hạch rốn phổi trải 1,9cm, maxSUV=4,59.
  • Hạch trung thất trái 2,8cm, maxSUV=7,75.

1a

Hình 1a: Hình ảnh chụp PET/CT cho thấy khối u phế quản gốc trái 4,6x4,3cm, maxSUV=13,84 (mũi tên vàng).
1b

Hình 1b: Hình ảnh chụp PET/CT cho thấy hạch rốn phổi trải 1,9cm, maxSUV=4,59; Hạch trung thất trái 2,8cm, max SUV=7,75 (mũi tên đỏ).

1c

Hình 1c: Hình ảnh chụp PET/CT cho thấy nốt mờ phổi phải 0,7cm, maxSUV=1,99 (mũi tên xanh).

vChụp cộng hưởng từ sọ não: Không thấy hình ảnh bất thường.

vBệnh nhân được nội soi phế quản và sinh thiết. Kết quả giải phẫu bệnh: Ung thư biểu mô tuyến biệt hóa vừa.

vPhân tích đột biến gen:

  • Không có đột biến gen EGFR.
  • Không có đột biến gen ALK.

vXét nghiệm PD-L1: Dương tính 60%.

vTóm lại:

  • Bệnh nhân nam, 49 tuổi, vào viện vì ho khan kéo dài và đau tức ngực trái.
  • Chẩn đoán xác định: Ung thư phổi trái di căn hạch trung thất, di căn phổi (T2N2M1).
  • Mô bệnh học: Ung thư biểu mô tuyến biệt hóa vừa
  • Kết quả xét nghiệm đột biến gen: Không có đột biến gen EGFR, không có đột biến gen ALK.
  • Xét nghiệm PD-L1: Dương tính 60%.
  • Xử trí: Bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp miễn dịch bước 1 với Pembrolizumab 200mg truyền tĩnh mạch ngày 1. Chu kỳ 21 ngày.

 

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ SAU 2 THÁNG.

vLâm sàng

  • Bệnh nhân không còn ho khan, không khó thở, đỡ đau tức ngực trái.
  • Bệnh nhân hết mệt mỏi, ăn uống tốt.
  • Rì rào phế nang hai phổi rõ, không rales.
  • CEA giảm từ 36,5 (ng/ml) xuống còn 21,2 (ng/ml).

vHình ảnh chụp cắt lớp vi tính lồng ngực sau điều trị 2 tháng (hình 2a, 2b):

  • Khối u thùy dưới phổi trái với kích thước 3,0x2,9cm.
  • Hạch trung thất trái 2,5cm, không thấy hạch rốn phổi.
  • Không thấy nốt tổn thưởng di căn ở phổi phải.

2a

Hình 2a: Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính lồng ngực khối u thùy dưới phổi trái với kích thước 3,0x2,9cm (mũi tên vàng), Không rõ nốt tổn thưởng di căn ở hai phổi.

 2b              

Hình 2b: Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính lồng ngực cho thấy hạch trung thất trái 2,5cm (mũi tên đỏ), không rõ hạch rốn phổi.

 

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ SAU 5 THÁNG

vLâm sàng

  • Bệnh nhân không còn đau ngực, không khó thở, ăn uống tốt, tăng cân.
  • Rì rào phế nang hai phổi rõ, không rales.
  • CEA giảm từ 21,2 (ng/ml) xuống còn 12,5 (ng/ml).

vHình ảnh chụp cắt lớp vi tính lồng ngực sau điều trị 5 tháng (hình 3a, 3b):

  • Khối u thùy dưới phổi trái với kích thước 1,8x1,5cm
  • Không thấy hạch trung thất và hạch rốn phổi.
  • Không thấy nốt tổn thương thứ phát phổi phải.

3a

Hình 3a: Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính lồng ngực cho thấy khối u thùy dưới phổi trái với kích thước 1,8x1,5cm (vòng tròn vàng). Không thấy nốt tổn thương thứ phát phổi phải.

3b

Hình 3b: Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính lồng ngực không thấy hạch trung thất và hạch rốn phổi.

 

SO SÁNH TRƯỚC VÀ SAU ĐIỀU TRị:

vLâm sàng:

  • Trước điều trị: ho khan, đau tức ngực phải, mệt mỏi ăn uống kém, gày sút 2kg.
  • Sau điều trị 5 tháng: không ho, không đau ngực, hết mệt mỏi, ăn uống tốt, tăng 2-3kg.
  • CEA giảm từ 36,5 (ng/ml) xuống còn 12,5 (ng/ml).
  • Tác dụng phụ: Không rụng tóc, không hạ bạch cầu.

vHình ảnh so sánh trước điều trị và sau điều trị 5 tháng.

 4a                        4b

Hình 4A: Trước điều trị: hình ảnh u phổi trái kích thước 4,6x4,3cm. Nốt tổn thương thứ phát phổi phải với kích thước 0,7cm (mũi tên đỏ)

Hình 4B: Sau điều trị 5 tháng: khối u thùy dưới phổi trái với kích thước 1,8x1,5cm (mũi tên vàng). Không thấy nốt tổn thương thứ phát phổi phải.

4c                        4d

Hình 4C: Trước điều trị: hạch rốn phổi trải 1,9cm; Hạch trung thất trái 2,8cm (mũi tên đỏ).

Hình 4D: Sau điều trị 5 tháng: Không thấy hạch trung thất và không thấy hạch rốn phổi.

                                                              

KẾT LUẬN

Qua ca lâm sàng được chẩn đoán xác định là ung thư phổ loại biểu mô tuyến giai đoạn T2N2M1, có PD-L1 dương tính 60%, không có đột biến gen EGFR, không có đột biến gen ALK được điều trị liệu pháp miễn dịch bước 1 với Pembrolizumab 200mg truyền tĩnh mạch ngày 1 với chu kỳ 21 ngày, chúng tôi rút ra một số kết luận sau:

  • Bệnh đáp ứng một phần.
  • Các triệu chứng lâm sàng được cải thiện tốt:

-        Không còn triệu chứng ho khan, không đau tức ngực, không khó thở.

-        Không mệt mỏi, ăn uống tốt.

-        Sinh hoạt và làm việc bình thường.

  • Tác dụng phụ của Pembrolizumab:

-        Không có tác dụng phụ trên tủy xương, gan, thận.

-        Tác dụng phụ ở mức độ nhẹ, bệnh nhân không phải dừng điều trị.

  • Lựa chọn điều trị bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến xa phụ thuộc vào: loại mô bệnh học, tình trạng đột biến gen EGFR, ALK, xét nghiệm PD-L1, thể trạng và kinh tế gia đình bệnh nhân…
  • Đối với bệnh nhân không có đột biến gen EGFR, không có đột biến gen ALK, có xét nghiệm PD-L1 dương tính (≥1%) thì liệu pháp miễn dịch với Pembrolizumab đã chứng minh có hiệu quả trong điều trị bước 1 ở những bệnh nhân ung thư phổi loại biểu mô tuyến giai đoạn tái phát, di căn.
ungthubachmai.vn

GS.TS Mai Trọng Khoa, PGS.TS Phạm Cẩm Phương, BS Nguyễn Tiến Đồng

- Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai

 

Schwannoma là những khối u hiếm phát sinh từ các tế bào Schwann trong vỏ bọc thần kinh. Chúng thường được tìm thấy trong hệ thống thần kinh trung ương, tủy sống hoặc các dây thần kinh ngoại biên của cơ thể, với loại phổ biến nhất là u thần kinh thính giác, ngoài ra chúng còn được tìm thấy ở đường tiêu hóa, trong ổ bụng và trung thất.

Tuổi mắc bệnh trung bình từ 20 đến 50 tuổi, bệnh gặp nhiều ở giới nữ. Bệnh nhân phát hiện bệnh đôi khi tình cờ qua kiểm tra sức khỏe hoặc do các triệu chứng của khối u chèn ép các cơ quan lân cận, tùy vào cơ quan tổn thương như hệ thần kinh trung ương u thường có kích thước nhỏ, tuy nhiên một số vị trí khác có thể gặp như ổ bụng, trung thất, đường tiêu hóa đôi khi gặp các khối u lớn với các đặc điểm trên hình ảnh như tổn thương u dạng nang, vôi hóa và xơ hóa.

Với tính chất tái phát thấp, việc điều trị Schwannoma tùy thuộc vào vị trí tổn thương, nếu tổn thương trên não thì phẫu thuật hoặc xạ phẫu bằng gamma quay là các lựa chọn đầu tiên. Bệnh tổn thương tại đường tiêu hóa, trung thất, ổ bụng phẫu thuật cắt bỏ u toàn bộ hoặc một phần nhằm tránh các di chứng thần kinh, chèn ép các cơ quan là lựa chọn ưu tiên.

Sau đây là một trường hợp lâm sàng bệnh nhân mắc Schwannomas được chẩn đoán tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch mai đã được phẫu thuật thành công:

Bệnh nhân S.S, nữ, 56 tuổi. Nhập viện Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai ngày 09/2019 vì lý do đau bụng.

Bệnh sử: Cách vào viện 4 tuần bệnh nhân xuất hiện đau bụng hạ vị, tự đi khám ở Bệnh viện tại Lào chẩn đoán theo dõi U buồng trứng, bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật tuy nhiên không lấy được u mà chỉ thăm dò chẩn đoán à Bệnh nhân nhập viện Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai. Tại trung tâm, bệnh nhân đã được thăm khám, làm các xét nghiệm thăm dò, đánh giá toàn thân. Trên hình ảnh chụp cắt lớp vi tính ổ bụng theo dõi khối u sau phúc mạc à sinh thiết lấy bệnh phẩm làm chẩn đoán xác định.

Tiền sử:

- Bản thân     : Khỏe mạnh

- Gia đình      : Khỏe mạnh

Khám vào viện:

-        Bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt.

-        Da niêm mạc hồng.

-        Hạch ngoại vi không sờ thấy.

-        Mạch: 80 lần/phút;

-        Huyết áp: 120/70 mmHg.

-        Thể trạng: trung bình;   Chiều cao: 155cm;  Cân nặng 58kg.

-        Phổi: Rì rào phế nang 2 bên rõ, không có rales.

-        Tim đều, T1, T2 rõ.

-        Bụng mềm, không chướng, ấn tức hạ vị, thành bụng có vết mổ vùng hạ vị đã khô và cắt chỉ.

-        Không có dấu hiện thần kinh khu trú.

-        Các cơ quan khác chưa phát hiện gì đặc biệt.

Xét nghiệm cận lâm sàng:

-        Công thức máu: Chưa phát hiện bất thường.

Hồng cầu: 4,8T/L; Hemoglobin: 120g/L.

Bạch cầu: 6,1G/L; Bạch cầu trung tính: 61,9%.

Tiểu cầu: 290G/L.

-        Sinh hóa máu:

Chức năng gan thận trong giới hạn bình thường.

Điện giải đồ bình thường.

Chất chỉ điểm khối u với CEA, CA 15 3, CA 125 bình thường.

-        Xét nghiệm vi sinh: HbsAg(-); HIV(-).

-        Điện tâm đồ, siêu âm tim: Chưa phát hiện bất thường.

-        Nội soi dạ dày tá tràng, nội soi đại trực tràng: Bình thường.

-        Chụp cắt lớp vi tính ổ bụng: Khối vùng tiểu khung kích thước 78x80mm nằm cạnh buồng trứng trái đẩy trực tràng ra sau, khối có vỏ dầy không đều, bên trong có chứa phần đặc và dịch, phần đặc có ngấm thuốc cản quang sau tiêm.

  1

Hình 1. Hình ảnh khối u vùng tiểu khung trên chụp căt lớp vi tính ổ bụng (vòng tròn vàng)

-        Siêu âm ổ bụng: Khối u vùng hố chậu trái kích thước 9,3x7cm

2

Hình 2. Hình ảnh khối u vùng tiểu khung trên siêu âm ổ bụng (mũi tên)

-        Bệnh nhân được sinh thiết u tiểu khung dưới hướng dẫn của siêu âm. Kết quả giải phẫu bệnh là Schwannoma khi nhuộm hóa mô miễn dịch dương tính với các dấu ấn: S100, Ki67 (3%), âm tính với các dấu ấn: SMA, DOG1, CD117, CD34

-        Xạ hình xương, chụp cộng hưởng từ sọ não: Chưa phát hiện bất thường.

Chẩn đoán trước phẫu thuật: Schwannoma vùng tiểu khung

Điều trị: Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ khối u, lấy bệnh phẩm làm xét nghiệm mô bệnh học: Kết quả là Schwannomas khi nhuộm hóa mô miễn dịch dương tính với các dấu ấn: S100, Ki67 (1%), âm tính với các dấu ấn: SMA, DOG1, CD117, CD34

Trong cuộc mổ: phẫu thuật viên thấy khối u lớn vùng hố chậu trái, nằm sau trong tiểu khung, sau phúc mạc, bên trái trực tràng, kích thước khoảng 6x7x8cm, mật độ chắc. Các bác sĩ đã cắt bỏ toàn bộ tổn thương.

3

Hình 3. Hình ảnh khối u sau phẫu thuật

4

Hình 4. Hình ảnh vi thể tổn thương Schwannoma

Theo dõi điều trị hẫu phẫu tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai:

Sau mổ 3 tuần: không đau bụng, không sốt. Vết mổ khô, đã rút dẫn lưu và cắt chỉ, đi lại, vận động bình thường.

Bệnh nhân được chăm sóc hậu phẫu ổn định và hẹn khám lại định kì sau 3 tháng

Kết luận: Schwannoma là những khối u hiếm phát sinh từ các tế bào Schwann trong vỏ bọc thần kinh. Chúng thường được tìm thấy trong hệ thống thần kinh trung ương, tủy sống hoặc các dây thần kinh ngoại biên của cơ thể, với loại phổ biến nhất là u thần kinh thính giác, ngoài ra chúng còn được tìm thấy ở đường tiêu hóa, trong ổ bụng và trung thất. Với các tổn thương trong ổ bụng, phương pháp điều trị đầu tiên là phẫu thuật, bệnh có tiên lượng tốt, sau phẫu thuật có thể khỏi hoàn toàn và không để lại di chứng.

ungthubachmai.vn

 PGS.TS. Phạm Cẩm Phương, GS.TS. Mai Trọng Khoa,

BSNT. Nguyễn Tiến Đồng

 

Ung thư tuyến giáp là bệnh hay gặp trong các bệnh ung thư của tuyến nội tiết, bệnh chiếm 3,6% các bệnh ung thư nói chung. Theo GLOBOCAN 2018, ung thư tuyến giáp đứng hàng thứ 5 trong số các bệnh ung thư ở nữ giới, tính chung cả hai giới thì bệnh đứng hàng thứ 11 trong các bệnh ung thư với 567.233 ca mới mắc và 41.071 ca tử vong hàng năm. Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tỉ lệ mắc ung thư tuyến giáp cao, theo thống kê bệnh đứng hàng thứ 9 với 5.418 ca mới mắc, 528 ca tử vong mỗi năm, ung thư tuyến giáp được chia làm hai nhóm mô bệnh học khác nhau về lâm sàng, phương pháp điều trị và tiên lượng là ung thư tuyến giáp thể biệt hóa và ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa. Ung thư tuyến giáp thể nhú là thể hay gặp nhất, chiếm 75% trường hợp ung thư tuyến giáp.

Về các yếu tố nguy cơ, hiện nay chưa tìm thấy nguyên nhân rõ ràng sinh bệnh ung thư tuyến giáp. Hầu hết các nghiên cứu đều chỉ đưa ra các yếu tố nguy cơ dễ mắc ung thư tuyến giáp, các hiệp hội ung thư lớn trên thế giới như Hiệp hội các nhà ung thư Hoa Kỳ cũng chỉ đưa ra 1 số yếu tố nguy cơ hay gặp như:

-        Tiền sử xạ trị vùng cổ hoặc tiền sử tiếp xúc với tia xạ vùng cổ.

-        Chế độ ăn thiếu Iod làm tăng nguy cơ mắc các bướu giáp đơn thuần cũng như ung thư tuyến giáp thể nang.

-        Tiền sử mắc các bệnh tuyến giáp mạn tính như viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto hoặc viêm tuyến giáp bán cấp De Quervain… có nguy cơ cao mắc ung thư tuyến giáp.

-        Trong ung thư tuyến giáp thể tủy, có liên quan chặt chẽ với tính chất gia đình và di truyền. Thông thường những bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể tủy nằm trong bệnh cảnh đa u nội tiết MEN 2, trong đó có 2 dưới nhóm MEN 2a và MEN 2b.

+        MEN 2a bao gồm: Ung thư tuyến giáp thể tủy, u tế bào ưa chrom tiết Adrenalin tại tuyến thượng thận và u tuyến cận giáp.

+        MEN 2b bao gồm: Ung thư tuyến giáp thể tủy, u tế bào ưa chrom và u xơ thần kinh hay gặp ở niêm mạc và đường tiêu hóa, đặc biệt là ở lưỡi.

Ngoài ra còn có một số yếu tố gen, di truyền được đề cập đến như: Đột biến gen RET nằm trên nhiễm sắc thể số 10, gen BRAF và gen PTC có thể sinh ung thư tuyến giáp thể nhú và thể tủy, gen RAS có thể sinh ung thư tuyến giáp thể nang. Phần lớn các đột biến này chủ yếu xảy ra trên các đoạn ADN kiểm soát sự sao chép và nhân đôi tế bào.

Ngoài ra một số tác giả Việt Nam ghi nhận 1 số yếu tố nguy cơ khác như người sống ở vùng biển, nơi có chế độ ăn giàu iod hoặc người có tiền sử Basedow khi có u đặc tuyến giáp thì dễ mắc ung thư tuyến giáp.

Các nghiên cứu cũng cho thấy thống kê có khoảng 70% bệnh nhân ung thư tuyến giáp có người thân trong gia đình (bố, mẹ, anh chị em,...) đã từng mắc bệnh.

Sau đây là 3 trường hợp trong một gia đình, đó là mẹ, con gái, con trai trong cùng gia đình mắc bệnh ung thư tuyến giáp:

1. Con gái mắc ung thư tuyến giáp

Bệnh nhân N.T.H.T, nữ, 32 tuổi, nhập viện Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai ngày 02/2019 vì khám sức khỏe tình cờ phát hiện u tuyến giáp.

Bệnh sử: Bệnh nhân cách vào viện khoảng 1 tuần đã khám sức khỏe tại phòng khám tư chẩn đoán u tuyến giáp 2 bên à bệnh nhân đến khám tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, được xét nghiệm tế bào học tuyến giáp: ung thư tuyến giáp thể nhú. Bệnh nhân được nhập viện để điều trị.

Tiền sử:

-        Bản thân: Khỏe mạnh.

-        Gia đình: Bình thường.

Khám vào viện:

-        Bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt

-        Tuyến giáp: Thùy phải có khối kích thước khoảng 1cm, cứng chắc, di động theo nhịp nuốt.

-        Da niêm mạc hồng.

-        Hạch ngoại vi không sờ thấy.

-        Mạch:  80 lần/phút; Huyết áp: 120/70 mmHg

-        Thể trạng: Tốt;         Chiều cao: 155cm;              Cân nặng 50kg

-        Phổi: Rì rào phế nang 2 bên rõ, không có rales.

-        Tim đều, T1, T2 rõ.

-        Bụng mềm, không chướng.

-        Không có dấu hiện thần kinh khu trú.

-        Các cơ quan khác chưa phát hiện gì đặc biệt.

Xét nghiệm cận lâm sàng:

-        Công thức máu: Chưa phát hiện bất thường.

+        Hồng cầu: 4,76 T/L; Hemoglobin:120g/L.

+        Bạch cầu: 6,5 G/L; Bạch cầu trung tính: 55,8%.

+        Tiểu cầu: 315G/L.

-        Sinh hóa máu:

+        Chức năng gan thận trong giới hạn bình thường.

+        Điện giải đồ bình thường.

+        Hocmon: Tuyến giáp bình thường.

-        Xét nghiệm vi sinh: HbsAg(-); HIV(-).

-        Điện tâm đồ, siêu âm tim: Chưa phát hiện bất thường.

-        X quang ngực: Chưa phát hiện bất thường.

-        Siêu âm tuyến giáp: Nhân thùy phải tuyến giáp kích thước 1,1x0,8cm có vi vôi hóa, xâm lấn bao giáp đánh giá TIRADS 5, thùy trái nhân tuyến giáp kích thước 0,7x0,6cm đánh giá TIRADS 3.

-        Siêu âm hạch vùng cổ: Chưa phát hiện bất thường.

-        Siêu âm ổ bụng: Không phát hiện bất thường

-        Xét nghiệm tế bào học tại u tuyến giáp: Hình ảnh tế bào học phù hợp ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú.

Chẩn đoán lâm sàng: Theo dõi ung thư tuyến giáp cT3bN0M0, giai đoạn I.

Tế bào học tuyến giáp: Ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú.

Bệnh nhân được hội chẩn đa chuyên khoa có chỉ định phẫu thuật cắt tuyến giáp toàn bộ và nạo vét hạch cổ.

à Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt tuyến giáp toàn bộ + nạo vét hạch cổ ổn định được hướng dẫn chế độ ăn kiêng Iod và theo dõi chỉ số xét nghiệm máu sau 3 tuần:

TSH: 76µU/mL

FT3: 3,9pmol/L

FT4: 5,3pmol/L

Tg: 2,6ng/mL

Anti Tg: 8,7U/mL

Chẩn đoán xác định sau mổ: 

-        Ung thư tuyến giáp cT3N0M0, giai đoạn I.

-        Giải phẫu bệnh sau mổ: Ung thư tuyến giáp thể nhú.

-        Xét nghiệm đột biến gen BRAF V600E: Dương tính.

Điều trị: 

BN được hội chẩn hội đồng giáo sư đã chỉ định điều trị Iod phóng xạ với liều 100mCi I-131.

Sau 3-5 ngày nhận liều điều trị, bệnh nhân được uống hormon Levothyroxin (T4) với liều lượng 2-4µg/kg/ngày (tương đương chúng tôi sử dụng cho bệnh nhân 100µg/ngày). Liều T4 được điều chỉnh sao cho đủ ức chế duy trì TSH< 0,1mU/L mà không gây cường giáp. Bệnh nhân cần tiếp tục dùng T4 suốt quãng đời còn lại trừ những đợt tạm ngưng để xét nghiệm theo yêu cầu của thầy thuốc.

 Hình 1

Hình 1. Hình ảnh xạ hình tuyến giáp với Tc-99m

Còn ít tổ chức tuyến giáp sau phẫu thuật

Sau 5-7 ngày nhận liều I-131, hoạt độ phóng xạ trong máu đã thấp, tiến hành xạ hình toàn thân để khảo sát tập trung của I-131 tại vùng tuyến giáp và ghi nhận các ổ tập trung I-131 ngoài tuyến giáp.

Bệnh nhân ra viện khi hoạt độ phóng xạ trong cơ thể <30mCi tính theo lí thuyết hoặc suất liều chiếu <50µSv/h.

Sau 7 ngày uống bệnh nhân được ghi hình lại tuyến giáp với I-131

Hình 2

Hình 2: Hình ảnh chụp xạ hình tuyến giáp với I-131 sau điều trị liều 100mCi I-131

Hình ảnh tăng hoạt độ phóng xạ tại vị trí giường tuyến giáp.

Theo dõi điều trị:

Sau điều trị 6 tháng:

Triệu chứng lâm sàng: Bệnh nhân không nói khàn, không nuốt vướng, tham gia các hoạt động sinh hoạt bình thường. Bệnh nhân được chỉ định tạm ngừng uống Levothyrox để đánh giá lại sau điều trị:

Siêu âm tuyến giáp, hạch vùng cổ: Tuyến giáp đã phẫu thuật, không phát hiện hạch bất thường.

Tg: 0,49ng/ml           

Anti Tg: 10,04IU/L

TSH: 100µU/mL       

FT3: 1,4pmol/L

FT4: 2,1pmol/L

Hình 3

Hình 3. Hình ảnh xạ hình toàn thân với I-131 sau 6 tháng điều trị:

Không phát hiện hình ảnh tăng hoạt độ phóng xạ bất thường trên

xạ hình toàn thân với I-131

Đánh giá sau điều trị: Bệnh nhân có giá trị Tg âm tính (-), anti Tg (-) và xạ hình toàn thân (-): được coi là hết bệnh và kế hoạch tiếp theo dõi định kỳ 6 tháng/lần trong 2 năm đầu và sau đó 1 năm/ lần cho những năm tiếp theo.

Sau khi bệnh nhân được chẩn đoán ung thư tuyến giáp, phẫu thuật và điều trị I-131, mẹ và em trai của bệnh nhân cũng đã đi khám kiểm tra sức khỏe tổng thể tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cũng phát hiện ung thư tuyến giáp thể nhú khi chưa có các biểu hiện bất thường về mặt lâm sàng.

2. Con trai bị ung thư tuyến giáp

Bệnh nhân: P.B.V, nam, 28 tuổi, chẩn đoán qua khám sức khỏe tình cờ phát hiện u tuyến giáp, bệnh nhân được chọc tế bào học tuyến giáp với chẩn đoán ung thư tuyến giáp thể nhú, giai đoạn T3bN0M0 giai đoạn I.

Các xét nghiệm hocmon và xạ hình trước điều trị I-131.

TSH: 100µU/mL (Bệnh nhân ngừng hocmon 3 tuần và kiêng Iod để xạ hình lại tuyến giáp).

FT3: 2,1pmol/L.

FT4: 5,3pmol/L.

Tg: 6,5ng/mL .

Anti Tg: 3,2U/mL

Xét nghiệm đột biến gen BRAF V600E: Dương tính.

Bệnh nhân được hội chẩn hội đồng và có chỉ định điều trị I-131 với liều 50mCi I-131 sau phẫu thuật cắt tuyến giáp toàn bộ - vét hạch cổ.

Hình 4

Hình 4. Hình ảnh xạ hình tuyến giáp với Tc-99m chưa phát hiện hình ảnh

tăng hoạt độ phóng xạ bất thường trên hình ảnh xạ hình.

Sau 7 ngày uống bệnh nhân được ghi hình lại tuyến giáp với I-131 và sau 6 tháng điều trị.

 

 Hình 5

Hình 5a: Hình ảnh chụp xạ hình tuyến giáp với I131 sau điều trị liều 50mCi I-131

Hình ảnh tăng hoạt độ phóng xạ tại vị trí giường tuyến giáp sau điều trị I-131

Hình 5b: Hình ảnh chụp xạ hình tuyến giáp với I131 sau điều trị 6 tháng

Không phát hiện hình ảnh tăng hoạt độ phóng xạ bất thường trên xạ hình toàn thân với I-131


Đánh giá sau 6 tháng điều trị bệnh nhân hết bệnh với kết quả xạ hình tuyến giáp với I-131 và các xét nghiệm Tg, AntiTg đều âm tính.

TSH    : 100µU/mL (BN ngừng hocmon và kiêng Iod để xạ hình lại tuyến giáp)

FT3     : 1,2pmol/L    

FT4     : 1,9pmol/L

Tg        : 0,55ng/mL

Anti Tg: 8,05U/mL.

3. Trường hợp người mẹ bị ung thư tuyến giáp

-       Bệnh nhân H.T.T, 58 tuổi.

-       Đi khám sức khỏe tình cờ phát hiện ung thư tuyến giáp thể nhú pT3aN0M0 giai đoạn II, đã được phẫu thuật – vét hạch cổ, bệnh nhân cũng đã được điều trị I-131 với liều 30mCi, sau điều trị 5 tháng bệnh nhân hiện tại sinh hoạt và hoạt động bình thường, bệnh nhân đang đợi đến thời điểm đánh giá sắp tới để có thể đánh giá hiệu quả điều trị.

Kết luận

Qua trường hợp này nói lên sự tiến triển của ung thư tuyến giáp thường rất âm thầm, các biểu hiện lâm sàng không đặc hiệu, đôi khi phát hiện tình cờ qua kiểm tra sức khỏe. Việc gia đình đã có người bị ung thư tuyến giáp thì các thành viên còn lại nên khám kiểm tra sức khỏe tổng thể định kỳ tầm soát phát hiện sớm bệnh. Bệnh sau khi được điều trị kịp thời thường có tiên lượng tốt, việc đánh giá lại hiệu quả của điều trị I-131 bằng sử dụng xạ hình toàn thân với I-131, Tg và AntiTg sau điều trị là rất quan trọng.

ungthubachmai.vn

Case lâm sàng:

 

Một bệnh nhân mắc hai ung thư Thực quản và Đại tràng được phát hiện và điều trị tại Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu – Bệnh viện Bạch Mai

 

GS.TS. Mai Trọng Khoa, Bs. Đồng Xuân Hà, PGS.TS. Phạm Cẩm Phương

Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu – Bệnh viện Bạch Mai.

 

Ung thư thực quản và ung thư đại tràng là hai loại bệnh lý ác tính nguy hiểm của đường tiêu hóa, đứng hàng thứ 3 và 4 về tỷ lệ tử vong chỉ sau ung thư phổi và gan. Bệnh thường chỉ được phát hiện ở giai đoạn muộn do bệnh nhân đến muộn, triệu chứng lâm sàng nghèo nàn...

Theo số liệu GLOBOCAN 2018 của Cơ quan nghiên cứu Ung thư Quốc tế (International Agence on Cancer Research – IACR) trên toàn Thế giới có khoảng 570.000 người mắc mới ung thư thực quản, chết là 508.000 người – Với ung thư đại tràng con số này là ~ 1.100.000 cas mới, chết ~ 551.000 người. Ở Việt Nam, các con số lần lượt là – Ung thư thực quản: Mới mắc ~ 2.500 người, chết ~ 2.200 người. Ung thư đại tràng: Mới mắc ~ 15.000 người, chết ~ 8.000 người.

Ung thư thực quản thường liên quan nhiều với rượu, thuốc lá, béo phì và bệnh lý trào ngược thực quản. Thói quen ăn uống ít chất xơ, nhiều mỡ, đạm động vật, dưa muối... làm tăng nguy cơ mắc cả hai loại ung thư này.

Bệnh thường tiến triển âm thầm với những triệu chứng mơ hồ ở giai đoạn sớm như khó chịu khi nuốt, nuốt vướng, nghẹn ở ung thư thực quản; rối loạn bài tiết phân ở ung thư đại tràng sau đó tiến triển nhanh và rầm rộ ở giai đọan sau như khó nuốt, nghẹn đặc sặc lỏng, đau bụng, nôn máu, rối loạn đại tiện nặng, ỉa máu, gầy sút cân…

Bệnh thường gặp đơn độc trên mỗi cá thể hoặc là ung thư thực quản, hoặc là ung thư đại trực tràng nhưng cũng không hiếm gặp các trường hợp có cả hai ung thư này cùng lúc, với những trường hợp này tiên lượng thường xấu và điều trị gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nếu được phát hiện ở những giai đoạn sớm, điều trị đúng, kịp thời vẫn cho những kết quả tốt, khả quan, kể cả những trường hợp bệnh nhân cao tuổi. Dưới đây là một trường hợp đã được khám phát hiện 2 loại ung thư là thực quản và đại tràng và đã được điều trị tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai.

Bệnh nhân L.Đ.C - nam 79 tuối, sống tại Thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, đi khám bệnh vì đại tiện ra máu.

Bệnh nhân làm nghề lái xe, đã về hưu được 15 năm, lúc trẻ có hay hút thuốc lào, thuốc lá, đã bỏ được hơn 10 năm, thỉnh thoảng có uống bia rượu nhưng không thường xuyên. Vì là lái xe nên ăn uống không điều độ, hay ăn nhanh và ít chất xơ. Gia đình hoàn toàn khỏe mạnh, không có ai bị mắc bệnh ung thư.

Bệnh nhân thỉnh thoảng đau lâm râm vùng hạ vị không lan từ vài năm nay, đau một vài hôm rồi tự khỏi. Thỉnh thoảng ợ hơi, không ợ chua, không nuốt nghẹn. Hay đại tiện phân lỏng, có lúc 3 – 4 lần trong ngày, không nhày, không máu.

Bệnh nhân cũng không thăm khám hoặc điều trị gì.

Cách khoảng hai tuần trước vào viện thỉnh thoảng đại tiện ra nhày máu, đau hạ vị quặn cơn nhiều hơn, có lúc đại tiện ra ít máu đỏ tươi và lờ lờ máu cá.

Ngoài ra bệnh còn đau cột sống thắt lưng. Không sút cân. Vẫn ăn uống, tiểu tiện bình thường.

Bệnh nhân đi khám nội soi phát hiện đám sùi thực quản và polyp lớn đại tràng Sigma nên chuyển ra bệnh viện Bạch Mai điều trị.

 

Tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu bệnh viện - Bạch Mai bệnh nhân đã được khám bệnh, làm các xét nghiệm chẩn đoán một cách hệ thống – Cụ thể như sau:

Khám bệnh:

-       Toàn thân:

Bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt. Thể trạng trung bình. Da không xanh, niêm mạc hồng. Hạch ngoại biên không sờ thấy, tuyến giáp không to.

Mạch: 78Ck/p. T: 36.8oC. HA: 150/80mmHg. SpO2: 98%.

Cao: 170cm. Nặng: 60kg. Diện tích da: ~ 1.64m2.

-       Các cơ quan:

Tim: Nhịp đều. T1, T2 rõ. Không có tiếng tim bệnh lý.

Phổi: RRPN rõ, không ran.

Bụng: Chướng nhẹ, mềm: Gan – Lách không to. Hố chậu trái nắn đau tức nhẹ, không có phản ứng thành bụng.

Thận – tiết niệu: Hai hố thận bình thường.

Thần kinh: Không liệt khu trú. Các dấu hiệu não, màng não âm tính.

Cơ – Xương – Khớp: Vận động bình thường.

Các cơ quan khác chưa phát hiện gì đặc biệt.

Các xét nghiệm đã làm và kết quả:

-       Xét nghiệm máu:

Công thức máu: Bình thường.

Sinh hóa máu: Ure, Creatine, GOT, GPT, Glucose, Lipide máu trong giới hạn bình thường.

Vi sinh: HIV - Âm tính. HbsAg - Âm tính.

Tumor maker: CEA, CA 19-9, CA 72-4, PSA: Trong giới hạn bình thường.

-       Chẩn đoán hình ảnh:

Siêu âm bụng: Sỏi thận 2 bên.

X-quang ngực thẳng: Bình thường.

-       Thăm dò chức năng:

Điện tâm đồ: Bình thường.

Siêu âm tim: Hở nhẹ van hai lá.

Nội soi thực quản – dạ dày: Tổn Thương sùi 1/3 dưới thực quản theo dõi K thực quản (Đã sinh thiết và làm Giải phẫu bệnh). Viêm teo niêm mạc dạ dày C2. H.Pylori – Dương tính.

 Ảnh 1

Hình ảnh nội soi thực quản: Vùng tổn thương sùi (Hình bên trái - Mũi tên màu xanh) đoạn 1/3 giữa thực quản. Vùng tổn thương sau nhuộm Lugol (Hình bên phải - Mũi tên màu vàng).

Nội soi đại – trực tràng: Có 05 polyp. Cái lớn nhất ở đại tràng Sigma , kích thước khoảng 4cm, đầu xung huyết, chia múi. Bệnh nhân đã được cắt polyp qua nội soi – Bệnh phẩm gửi làm Giải phẫu bệnh.

 Ảnh 2

Hình ảnh Polyp lớn ~ 4cm ở đại tràng Sigma (Hình bên trái - Mũi tên màu xanh) đã được cắt qua nội soi, sau cắt được kẹp clip cầm máu (Hình bên phải).

-       Kỹ thuật Y học hạt nhân:

Chụp PET/CT: kết quả cho thấy

  • Thực quản đoạn 1/3 giữa có khối u, kích thước khoảng 1.4cmx0.6cm, tăng hấp thu 18-FDG, max SUV=3.49.
  • Sỏi nhỏ hai thận.
  • Không thấy hình ảnh tăng hấp thu và chuyển hóa 18-FDG bất thường các vị trí khác trong cơ thể.

Ảnh 3 

Hình ảnh cắt ngang (Axial) qua đốt sống ngực số 7 – Tổn thương tăng hấp thu 18-FDG (Mũi tên màu vàng).

Ảnh 4 

Hình ảnh tổn thương tăng hấp thu 18-FDG (Mũi tên màu vàng) đơn độc đoạn 1/3 giữa dưới thực quản theo mặt phẳng trán (Coronal).

 Ảnh 5

Hình ảnh tổn thương tăng hấp thu 18-FDG (Mũi tên màu vàng) ở mặt phẳng đứng dọc (Sagittal).

-       Xét nghiệm mô bệnh học:

Thực quản: Ung thư biểu mô vảy không sừng hóa xâm nhập.

Đại tràng: Ung thư biểu mô tuyến biệt hóa vừa xâm nhập mô đệm.

Như vậy, ở bệnh nhân này có 2 loại ung thư với mô bệnh học khác nhau: Ung thư biểu mô vẩy không sừng hóa với ung thư thực quản và ung thư biểu mô tuyến biệt hóa vừa với ung thư đại tràng

Bệnh nhân đã được hội chẩn bởi Hội đồng hội chẩn tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu – Bệnh viện Bạch Mai để đưa ra Chẩn đoán và Phương pháp điều trị cho người bệnh.

Chẩn đoán:

-       Ung thư biểu mô vảy không sừng hóa xâm nhập 1/3 dưới T1N0M­ – Giai đoạn IB – PS1.

-       Ung thư biểu mô tuyến biệt hóa vừa đại tràng Sigma T1N0M0 – Giai đoạn Dukes A – PS1.

Điều tri:

-       Phẫu thuật cắt đoạn thực quản theo phương pháp Oringer (Phẫu tích mù mở bụng, mở cổ không kèm theo mở ngực, phù hợp với tuổi của bệnh nhân)

-       Nội soi can thiệp cắt polyp.

Bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật cắt đoạn thực quản ngay sau đó, kết quả giải phẫu bệnh sau phẫu thuật là pT1bN0M0 với 5/5 hạch âm tính – phù hợp với chẩn đoán ban đầu.

Sau 10 ngày hậu phẫu bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn, ăn uống, đại tiểu tiện, đi lại vận động bình thường.

Bệnh nhân đã được xuất viện 15 ngày sau phẫu thuật và được dặn tái khám định kỳ mỗi 03 tháng bằng các xét nghiệm máu theo dõi các maker ung thư, chụp CT scan ngực, MRI tiểu khung, nội soi hoặc chụp PET/CT nhằm theo dõi kết quả điều trị, phát hiện tái phát hoặc di căn sớm để có phương án điều trị tiếp sớm và tích cực nhất.

ungthubachmai.vn

Điều trị bệnh nhân sarcoma xương hiếm gặp ở người lớn

Phát hiện và điều trị 2 vợ chồng cùng bị ung thư tuyến giáp nhờ chương trình sàng lọc phát hiện sớm ung thư

GS. TS. Mai Trọng Khoa, BSNT. Đào Mạnh Phương

Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu – Bệnh viện Bạch Mai

Điều trị bệnh nhân mắc cùng lúc hai loại bệnh ung thư: ung thư vú và ung thư trực tràng tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai

Monday, 04 November 2019 02:21

Ca lâm sàng: ung thư di căn xương

Ca lâm sàng: ung thư di căn xương

Điều trị ung thư đại trực tràng di căn xa bằng kháng thể đơn dòng kết hợp hóa trị

Điều trị bệnh nhân ung thư phổi di căn hạch, phổi, xương tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai

Điều trị ung thư gan hiệu quả với Lenvatinib

Điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến triển bằng hóa chất tại Bệnh viện Bạch Mai

Ca lâm sàng: Bệnh nhân ung thư phổi di căn não được điều trị bằng hóa chất, xạ trị kết hợp điều trị miễn dịch

Phát hiện sớm u gan nhờ xét nghiệm AFP, AFP-L3, PIVKA II

Tem dan Don vi Gen tri lieu 1

logo bach mai 2

Tiêu điểm

Hỗ trợ  

Joomla Templates and Joomla Extensions by ZooTemplate.Com
Hotline: 1900575758 phím 2

Clip

Đối tác chiến lược

chung cư imperia garden

Quảng cáo

Banner

Hình ảnh tiêu biểu

Đối tác chiến lược

chung cư imperia garden

Thống kê

Members : 18665
Content : 1268
Web Links : 3
Content View Hits : 358445