Thursday, 04 September 2008 15:59

Dinh dưỡng sau phẫu trị ung thư bao tử

Read 6032 times
Bao tử là nơi chứa đựng và nghiền nát thức ăn. Nhiệm vụ chính của bao tử như một máy xay làm cho đồ ăn nhuyễn nát. Chính vì vậy, khi bao tử bị ung thư sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chế độ dinh dưỡng cũng như cách ăn uống. Một số kiến thức sau đây sẽ giúp bạn trong quá trình sau khi phẫu trị.

Phẫu trị là phương pháp điều trị chọn lựa đối với ung thư dạ dày ở giai đoạn khu trú tại chỗ tại vùng. Phẫu trị ung thư bao tử có thể là:

+ Cắt bao tử tiêu chuẩn (2/3 - 3/4 bao tử kèm theo mạc nối, mạc nối lớn (mỡ chài) và nạo hạch vùng - nối vị tràng trước đại tràng ngang theo phương pháp B: Billroth II để tái lập lưu thông tiêu hóa (hình 1 a - b).

+ Cắt bao tử toàn phần nếu ung thư lan rộng lên thân vị, tái lập lưu thông bằng phương pháp nối Roux-en - Y (dùng một đoạn ruột non tái tạo túi chứa thức ăn - phương pháp này đương nhiên đã phải cắt hai dây thần kinh số 10 tại đầu trên bao tử chỗ tiếp nối thực quản (hình 2 a - b).

Cơ chế của xáo trộn tiêu hóa:

Bình thường thức ăn từ miệng xuống thực quản đổ vào bao tử được trộn lẫn với dịch tiết của bao tử (chất nhờn và acid clorhydric HCl) rồi đưa xuống tá tràng để được trộn tiếp với mật và dịch tụy (có các men tiêu hóa). Thức ăn sau đó đến hổng tràng và ruột non - nơi đây diễn ra quá trình tiêu hóa.

Sau phẫu thuật cắt một phần hoặc toàn phần bao tử thì sự di chuyển của thức ăn qua miệng nối không đồng bộ với sự bài tiết mật và dịch tụy gây nên tình trạng trộn lẫn không đều đưa đến những xáo trộn quan trọng về dinh dưỡng.

Những nghiên cứu sau mổ cho thấy ít có sự khác biệt về sự xáo trộn dinh dưỡng giữa hai phương pháp cắt bao tử một phần và cắt bao tử toàn phần. Diễn tiến bệnh học tương đương nhau:

1- Hội chứng sau ăn: ăn mau no, căng chướng bụng trên, hội chứng dumping.

2- Giảm cân vì các nguyên nhân: kém ăn, giảm hấp thu vì thời gian di chuyển nhanh của thức ăn qua ống tiêu hóa và sự gia tăng của vi khuẩn ký sinh đường ruột.

Nếu không có sự hướng dẫn đúng mức về dinh dưỡng, bệnh nhân sau mổ cắt bao tử dần dần sẽ bị suy dinh dưỡng.

Hội chứng sau mổ cắt bao tử:

Bao gồm hai nhóm rối loạn dinh dưỡng:

1- Không dung nạp:

  • Ứ đọng trong bao tử.

  • Hội chứng dumping.

  • Tiêu hóa kém các chất béo.

  • Không dung nạp đường lactose vì thiếu men lactaza.

2- Suy giảm dinh dưỡng:

Hậu quả: thiếu máu, một số bệnh về xương.

Dinh dưỡng sau mổ cắt bao tử

Cắt bao tử toàn phần

Nguồn: Khoa học phổ thông

Ung thư bao tử ảnh hưởng đến thói quen ăn uống bất kể giai đoạn bệnh cũng như phương pháp điều trị.

Nếu bị cắt một phần hay toàn phần bao tử, bệnh nhân sẽ phải điều chỉnh lượng thức ăn cho mỗi lần ăn: ăn lượng ít và ăn nhiều bữa cách nhau 2 - 3 giờ. Bệnh nhân sẽ nhận thấy có một vài loại thức ăn gây rối loạn tiêu hóa, những thức ăn này có thể khác nhau từ người bệnh này sang người bệnh khác. Thực tế kiểm nghiệm sẽ giúp cho từng bệnh nhân tìm ra và loại trừ những thức ăn nào không phù hợp với mình sau mổ. Bệnh nhân sẽ gặp nhiều bệnh cảnh khác nhau, cần biết rõ để có cách ứng phó đúng mức và hiệu quả.

1- Cảm giác căng tức bụng:

Ban đầu, dù chỉ ăn rất ít vẫn cảm thấy căng tức bụng. Phải hiểu là phần bao tử còn lại hoặc túi chứa bằng đoạn ruột non thay thế phải có thời gian để giãn dần ra. Vì vậy đầu tiên chỉ ăn rất ít và khoảng cách giữa các lần ăn ngắn (1 giờ, 2 giờ). Từ từ có thể tăng dần khối lượng thức ăn và kéo dài khoảng cách giữa hai lần ăn.

Những loại thực phẩm có nhiều chất xơ cũng dễ làm căng tức bụng, ví dụ như các loại bánh bột nhồi, cải bắp, các loại hạt... Vì vậy chỉ nên ăn thật ít những loại trên và tăng dần khối lượng, mỗi bữa chỉ nên ăn một loại. Các loại nước uống có gas cũng làm căng tức bụng. Tốt nhất không nên uống trong lúc ăn.

2- Hội chứng dumping:

Đây là một vấn đề đặc biệt gây nên bởi sự di chuyển nhanh vào ruột non các thực phẩm có nhiều tinh bột, hoặc thực phẩm ngọt, xảy đến ngay sau khi ăn vài phút hoặc chậm hơn, 1 - 2 giờ sau ăn.

Xảy ra ngay sau khi ăn vì thức ăn di chuyển nhanh đến ruột non, khối lượng thức ăn đặc làm ruột non phải tiết ra nhiều chất nhờn từ khoang nội mô làm tụt huyết áp. Làm cho bệnh nhân chóng mặt, ngất xỉu; đôi khi làm cho mệt, hồi hộp, tim đập mạnh.

Hội chứng này có khi xảy ra chậm hơn, một hoặc hai giờ sau khi ăn, do sự gia tăng đột xuất của lượng đường trong máu vì lúc đó thức ăn tiêu hóa di chuyển đến ruột non và đường được hấp thu. Cơ thể phản ứng bằng cách bài tiết nhanh một lượng hormon insulin. Insulin làm hạ nhanh đường huyết. Với tình trạng đường huyết dao động như thế, bệnh nhân sẽ bị choáng váng thậm chí ngất xỉu một hai phút. Hội chứng dumping muộn thường nặng hơn nếu bệnh nhân quên hay bỏ một bữa ăn trước bữa chót vừa ăn.

Có thể giảm nhẹ hội chứng này bằng cách:

  • Ăn thật chậm.

  • Giảm lượng thức ăn ngọt.

  • Ăn thêm lượng thức ăn có chất xơ mà mình có thể tính toán được.

  • Tăng lượng chất béo trong thức ăn để cung cấp năng lượng thay thế cho thức ăn ngọt.

  • Ăn một lượng ít hơn với lần ăn đều và nhiều hơn nếu có thể được.

  • Tránh dùng súp và những thức ăn lỏng.

Có thể thử giảm bớt lượng nước uống để xem có tốt hơn không. Nếu hội chứng dumping xảy ra muộn có thể dùng thêm kẹo ngọt giữa các bữa ăn để giữ lượng đường trong máu cao.

3- Tiêu chảy:

Triệu chứng khá phổ biến sau mổ cắt bao tử, xảy đến do tổn thương dây thần kinh lang thang (thần kinh số 10). Thần kinh 10 là dây thần kinh chính kiểm soát sự vận động của ống tiêu hóa trên và kiểm soát sự bài tiết của các dịch tiêu hóa. Dây thần kinh này thường phải bị cắt khi cắt bao tử ở một số bệnh nhân gây nên những cơn tiêu chảy cấp. Triệu chứng này thường chỉ thỉnh thoảng xảy ra sau mổ khi sự tiêu hóa bình thường đã trở lại và chỉ kéo dài một hai ngày. Cũng có khi tiêu chảy kéo dài lâu hơn, tiêu phân nước nhiều lần trong ngày và kéo dài nhiều ngày. Dùng thuốc chống tiêu chảy vào lúc sáng sớm giúp cải thiện tình trạng.

4- Nôn ói:

Có thể xảy ra sau khi cắt một phần bao tử. Mật và các dịch tiêu hóa tích tụ trong đêm ở tá tràng tràn vào phần bao tử còn lại tạo cảm giác đầy bụng và buồn nôn. Nôn ói ra chất đọng trong bao tử làm khỏe hơn; có thể dùng thuốc chống đầy bụng sớm vào buổi sáng để tránh tình trạng này. Tuy nhiên thuốc chỉ làm giảm nhẹ hơn là làm hết hẳn, đôi khi phải tập quen dần với sự cố trên. Nếu triệu chứng nôn ói buổi sáng nặng, thầy thuốc điều trị có thể tính toán việc mổ tái tạo lại sự lưu thông tiêu hóa.

5- Đầy bụng và đau bụng cơn:

Bệnh nhân mổ cắt dạ dày có thể có những cơn ợ hơi và đau quặn. Nhỏ vài giọt tinh dầu bạc hà vào ly nước ấm và uống từng ngụm nhỏ. Nước bạc hà làm giảm ợ hơi và bớt đau quặn. Nên tránh các thức ăn nêm nhiều gia vị, rau quả muối hay ngâm giấm, các loại trái cây nhóm chanh cam bưởi.

Thịt đỏ là nguồn thực phẩm có

nhiều sắt dễ hấp thụ

Nguồn: pubblicitaitalia.com

6- Xây dựng khẩu phần ăn với những chất dinh dưỡng đúng:

Sau phẫu thuật bao tử, những vấn đề liên quan đến ăn uống và dinh dưỡng sau một thời gian sẽ làm cho bệnh nhân nhận thấy khó khăn để giữ vững được cân nặng. Nếu nhận thấy có sự giảm cân từ từ cần phải đi khám bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng ngay để được tư vấn về xây dựng khẩu phần ăn và các phương pháp hỗ trợ để gia tăng năng lượng đưa vào cơ thể.

Đầu tiên là phải dùng thêm canxi, vitamin D và sắt vì những chất này được hấp thu chính là ở bao tử. Nếu trường hợp bị cắt toàn bộ bao tử thì phải tiêm thêm vitamin B12. Vitamin B12 cần thiết để tạo hồng huyết cầu và giữ cho dây thần kinh và ống tiêu hóa được khỏe. Nếu chỉ cắt bao tử một phần thì cần phải thường xuyên định kỳ kiểm tra xét nghiệm máu để biết lượng sắt và vitamin B12 có được cung cấp đủ qua ăn uống không.

7- Gia tăng các chất dinh dưỡng trong khẩu phần:

Nếu đã cắt bao tử một phần, gia tăng lượng thức ăn có chứa sắt, canxi và vitamin D để cung cấp đủ lượng các chất trên theo nhu cầu của cơ thể:

- Canxi có nhiều trong sữa, bơ; canxi cũng có trong trứng, cá mòi, cải bắp, bông cải xanh.

- Vitamin D có trong bơ thực vật (margarin), bơ động vật, trứng, các loại cá mòi, cá trích, cá thu, cá hồi.

- Nhiều thực phẩm có hàm lượng sắt đủ dùng như thịt đỏ, gan, các loại cá, đậu nành, lòng đỏ trứng, lá các loại rau xanh, các loại quả khô, bia nâu, bia đen.

Thực phẩm có sắt dễ hấp thu nhất là thịt đỏ. Nếu bệnh nhân ăn chay trường thì phải dùng thêm viên thuốc có sắt. Hấp thu sắt được hỗ trợ bởi vitamin C. Do đó nên ăn cam, uống nước cam vắt hoặc dùng viên vitamin C khi dùng thực phẩm giàu chất sắt hoặc viên thuốc có sắt.

Acid folic là một chất cần thiết khác để tạo hồng huyết cầu khỏe mạnh. Gan và các loại rau có lá đậm màu đều có chứa acid folic. Nên dùng thêm thuốc có acid folic sau mổ cắt bao tử.

8- Thực phẩm bổ sung:

Bệnh nhân mổ cắt bao tử vẫn cần bổ sung mặc dù khẩu phần đã được bảo đảm. Vì đơn giản là phần mô của bao tử còn lại thật ra không đủ để hấp thu tất cả và hấp thu thật tốt những gì ăn vào.

Nên bổ sung thêm viên đa sinh tố: hãy chọn loại đa sinh tố nào với những sinh tố chính (A, B, C, D) và các chất muối khoáng có hàm lượng cao. Có bệnh nhân thấy chỉ cần uống 2 đến 3 ly sữa năng lượng cao mỗi ngày là cung cấp đủ năng lượng cần thiết. Bác sĩ dinh dưỡng sẽ tư vấn đúng mức.

9- Một vài lời khuyên:

Tự tìm một vị thế thoải mái nhất để dùng bữa ăn và tiêu hóa thức ăn: có người thích ngồi thẳng, có người thích ngồi tư thế hơi ngửa làm thức ăn dễ xuống hơn. Một vài người lại thích vừa ăn vừa đi lại.

Vài người sau mổ cắt bao tử cảm thấy khó khăn khi ăn sáng. Hãy thử dùng cháo yến mạch nấu với sữa nguyên kem, có thể cho thêm trái cây khô, và hãy dùng thật chậm. Nếu bị đầy hơi, đau bụng cơn hoặc tiêu chảy thì không nên dùng sữa.

BS. PHÓ ĐỨC MẪN (Phó giám đốc BV ung bướu TP.HCM)
Theo
Khoa Học Phổ Thông

 

Tem dan Don vi Gen tri lieu 1

logo bach mai 2

Tiêu điểm

Hỗ trợ  

Joomla Templates and Joomla Extensions by ZooTemplate.Com
Hotline: 1900575758 phím 2

Clip

Đối tác chiến lược

chung cư imperia garden

Quảng cáo

Banner

Hình ảnh tiêu biểu

Đối tác chiến lược

chung cư imperia garden

Thống kê

Members : 18112
Content : 1268
Web Links : 3
Content View Hits : 358444