Sự ảnh hưởng của bệnh và quá trình điều trị đến đời sống tình dục được xem là vấn đề rất quan trọng về mặt tâm lý cũng như ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Mặc dù họ phải chịu đựng sự mệt mỏi, ốm yếu nhưng họ vẫn muốn đời sống tình dục ít bị ảnh hưởng nhất.
Bị mắc bệnh ung thư không có nghĩa là người bệnh không còn khả năng và nhu cầu tình dục. Bệnh nhân cần phải học cách thích nghi và chấp nhận sự hiện diện của bệnh ung thư và các tác dụng phụ có thể mang lại bởi các phương pháp điều trị.
Hầu hết các bệnh nhân đều gặp phải những khó khăn trong vấn đề tình dục, có thể tạm thời hoặc lâu dài. Thời gian đầu họ thấy khó khăn vì sợ hãi và mặc cảm, đó là lí do vì sao ham muốn tình dục mất đi nhất là trong giai đoạn điều trị hóa trị và xạ trị.
Việc điều trị một số loại ung thư như ung thư cổ tử cung, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư tinh hoàn, ung thư dương vật có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tình dục, còn trong các bệnh ung thư khác có ảnh hưởng gián tiếp ví dụ như mang hậu môn nhân tạo trong bệnh ung thư trực tràng và phẫu thuật cắt toàn bộ một bên vú trong bệnh ung thư vú... Bệnh nhân thường cảm thấy kém hứng thú trong quan hệ tình dục, tuy nhiên người bệnh cần phải loại bỏ những mặc cảm này để thích ứng với tình hình hiện tại và hoàn cảnh hiện tại của bản thân mình.
Các vấn đề từ chính bệnh ung thư hay do điều trị có thể dẫn đến giảm ham muốn tình dục, khó chịu về thể chất hoặc thay đổi chức năng tình dục, thay đổi hình dạng cơ thể, mệt mỏi. Mỗi người có một phản ứng khác nhau, tuy nhiên một số phản ứng mang tính chất tạm thời. Người bệnh cần phải trao đổi với bạn đời để có được sự cảm thông và chia sẻ. Những lúc này, người bạn đời của bệnh nhân có một vai trò rất quan trọng, ngoài sự sẻ chia tình trạng bệnh tật và bệnh hiểm nghèo của người bạn đời của mình thì một tình cảm thực sự, một tình yêu thực sự cũng sẽ là một liều thuốc vô giá cho người bệnh, trong đó có sự chia sẻ về tình dục với người bạn đời-người bệnh nhân của mình.
Thật khó để dự đoán chính xác như thế nào và điều trị ung thư sẽ ảnh hưởng tới đời sống tình dục ra sao nhưng đối với hầu hết bệnh nhân những thay đổi đó đòi hỏi họ phải thích nghi và chấp nhận nó.
-
Giảm khả năng và giảm thể chất thực sự
-
Thay đổi hình dạng cơ thể
-
Thay đổi cảm xúc như sợ hãi, buồn, giận dữ, mặc cảm, vui...
-
Thay đổi trong các mối quan hệ xã hội.
-
....
Các nguyên nhân này ảnh hưởng lẫn nhau và sự suy giảm tình dục thường do các yếu tố kể trên.
Người bệnh ung thư vẫn có thể tiếp xúc, sinh hoạt, ăn uống với gia đình bình thường; do đó khi có nhu cầu tình dục người bạn đời nên hiểu thông cảm và tìm cách sẽ chia để người bệnh không cảm thấy bị bỏ rơi, cô đơn. Từ đó người bệnh sẽ thêm lạc quan, cố gắng để điều trị bệnh và các triệu chứng của bệnh sẽ dần được cải thiện.
Đặc biệt khi người bệnh đau đớn do ung thư có thể do tổn thương thực sự, cũng có thể do các yếu tố tâm lý; sự động viên cũng như sinh hoạt tình dục đúng cách, nhẹ nhàng có thể mang lại cho người bệnh sự thoải mái về tâm lý và là biện pháp giảm đau hiệu quả.
Tuy nhiên, cần phải tránh thai bằng các biện pháp tránh thai cho các bệnh nhân nữ bởi một số loại bệnh ung thư như ung thư vú, ung thư phổi… bệnh sẽ nặng lên khi người bệnh có thai: một phần do yếu tố hormon làm tăng phát triển khối u, một phần khi có thai sẽ khó khăn cho quá trình chẩn đoán bệnh và điều trị bệnh (vì phải sử dụng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh để chấn đoán; phải điều trị bằng hóa - xạ trị cho bệnh nhân nên sẽ ảnh hưởng đến thai nhi…).
Khi người bệnh phải phẫu thuật thì phải để vết mổ liền hẳn thì mới sinh hoạt tình dục nhất là khi mổ vùng bụng, tiểu khung (thường phải sau 3 tháng).
Tóm lại, tùy theo loại bệnh ung thư, cơ thể bệnh nhân, giai đoạn điều trị của bệnh mà người bệnh có thể sinh hoạt tình dục. Sự động viên, chia sẻ, chăm sóc của gia đình và người nhà là nguồn khích lệ tốt nhất cho bệnh nhân chống lại bệnh ung thư cũng như quyết tâm điều trị để mang lại hiệu quả tốt nhất.
PGS.TS. Mai Trọng Khoa, Ths.Bs. Phạm Cẩm Phương
