Tập gym để có cơ thể săn chắc khỏe mạnh là việc tốt nhưng nếu tập luyện quá sức sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thậm chí là gây ung thư.
Tập gym là phương pháp luyện tập rất phổ biến hiện nay, đặc biệt là ở khu vực nội thành. Tuy nhiên, nếu tập gym quá sức và không đúng cách có thể sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, trong đó bao gồm cả bệnh ung thư.
Thông thường, sau khi tập luyện hầu hết mọi người đều cảm thấy đau nhức cơ bắp, mệt mỏi… Nhiều người cho rằng đây là chuyện bình thường vì mới tập nên chưa quen. Tuy nhiên thực chất nguyên nhân của tình trạng đó là do tế bào và các mô cơ không được cung cấp đủ lượng ô-xi cần thiết, nên bị trì hoãn hoạt động dẫn đến những biểu hiện trên.
Theo các nhà nghiên cứu Canada, hầu hết những người đến phòng tập gym đều tập luyện quá sức và trên các mô cơ của họ đều xuất hiện sự căng thẳng, tế bào sinh ra những phân tử làm thay đổi cấu trúc DNA, tổn hại tế bào khỏe mạnh, gây lão hóa sớm, và nguy hiểm hơn có thể gây ung thư.
Hiện Boushel - giảng viên trường Đại học Kinesiology của British Columbia (Canada) và các chuyên gia khác đang tiếp tục nghiên cứu mức độ ảnh hưởng của việc tập luyện gym quá sức với cơ thể. Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng đang đi tìm lời giải chính xác nhất cho câu hỏi: “Thời gian và cường độ tập thể dục của một người bình thường chính xác là bao nhiêu?”.
Boushel cảnh báo: “Nếu bạn là người mới đến phòng tập thể dục thì chỉ nên tập những bài tập nhẹ nhàng, từ từ và dần dần tăng cường độ theo thời gian, tránh tập quá sức vì điều đó không giúp sức khỏe bạn tốt hơn mà còn gây hại.”
Minh Thảohttp://vietq.vn
Dưới đây là những vị trí ung thư ít gặp cần cảnh giác:
Mí mắt
Khoảng 5-10% ung thư da diễn ra ở mí mắt. Vì vậy hãy đi khám nhãn khoa và da liễu khi thấy có bất cứ dấu hiệu nào đáng ngờ ở mắt.
Miệng
Nếu bạn bị loét miệng trên 2 tuần không khỏi, hãy kiểm tra ngay lập tức. Miệng là một trong những vị trí khó ngờ mà ung thư có thể xuất hiện.
Vùng mông
Nếu nhận thấy có nổi ban giữa mông, không nên bỏ qua dấu hiệu này và hãy đi khám bác sĩ.
Giữa các ngón chân
Kiểm tra khu vực giữa các ngón chân của bạn thường xuyên. Nếu thấy có bất cứ thay đổi nào ở khu vực này như vết loét không liền, nốt hoặc tổn thương sẫm màu, hãy đi khám sớm.
Lòng bàn chân
Có một loại khối u hắc tố xảy ra ở lòng bàn chân được gọi là acral lentiginous melanoma.
Dưới móng
Nếu bạn nhận thấy bất kỳ màu sắc bất thường nào dưới móng, đó là dấu hiệu đáng báo động và bạn nên đi kiểm tra.
Dưới tai
Khu vực này là một trong những nơi có thể bị ung thư mà bạn không ngờ tới. Do vậy, hãy luôn vệ sinh sạch sẽ khu vực này và không quên bôi kem chống nắng.
Lòng bàn tay
Khối u ác tính cũng có thể xuất hiện ở lòng bàn tay. Trước khi ra ngoài, bạn cũng nên bôi kem chống nắng ở khu vực này.
Môi
Hãy bôi kem dưỡng phổ rộng trên môi trước khi ngoài nắng để bảo vệ đôi môi của bạn khỏi bị ung thư.
Bộ phận sinh dục
Bộ phận sinh dục là khu vực khó nhận biết nhất khi bị ung thư. Vì vậy, cần giữ gìn vệ sinh thích hợp khu vực này và kiểm tra thường xuyên để loại trừ nguy cơ.
BS Cẩm Tú
(Theo Boldsky/Univadis)/SKĐS
Thử nghiệm ban đầu trong việc điều trị ung thư bằng các tế bào máu trắng ( bạch cầu) qua chỉnh sửa đã thành công một cách “phi thường”, theo các nhà khoa học. Trong một nghiên cứu, 94% người tham gia bị bệnh bạch cầu lymphoblastic cấp tính (Acute Lymphoblastic Leukemia hay ALL) cho biết các triệu chứng của họ biến mất hoàn toàn, sau khi được điều trị bằng các tế bào máu biến đổi, được gọi là tế bào T. Ở một nghiên cứu khác, 80% bệnh nhân bị ung thư hạch bạch huyết có các phản ứng tích cực trong điều trị, với hơn ½ người không còn bất cứ triệu chứng bệnh nào.
“Điều này thật sự bất thường và chưa từng có trong lịch sử y học”, nhà nghiên cứu, giáo sư Stanley Riddell thuộc Trung tâm nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson ở Seattle (Mỹ) cho biết. Để điều trị theo phương pháp này, các nhà khoa học đã tiến hành loại bỏ những tế bào T của bệnh nhân, buộc chúng “thụ thể” với các phân tử nhắm đến ung thư, sau đó đưa chúng trở lại cơ thể dưới dạng dịch truyền. Những phân tử thụ thể đó được gọi là thụ thể kháng nguyên khảm (CARs), lấy từ chuột biến đổi gen. Khi gắn vào các tế bào T, chúng làm giảm khả năng của các tế bào ung thư trong việc cố gắng ‘né’ khỏi hệ thống miễn dịch tự nhiên của cơ thể.
Việc tái thiết lập hệ thống miễn dịch như vậy thường được xem là lựa chọn cuối cùng, do ảnh hưởng của các tác dụng phụ nguy hiểm. Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng 7 bệnh nhân ALL hiện đang nhận được sự chăm sóc đặc biệt sau khi bị một phản ứng miễn dịch gọi là hội chứng phóng thích cytokine (SCRS). Hai trong số những bệnh nhân này đã tử vong. Riddell cho rằng các nhà khoa học trong thời gian tới cần phải tích cực làm việc hơn nữa, dù kết quả hiện tại là rất khả quan. Họ vẫn chưa thể nhận định liệu các bệnh nhân được cho là đã khỏi có còn khả năng tái phát hay không và đó là vấn đề cần giải quyết.
“Cũng giống như hóa trị và xạ trị, nó không thể cứu sống tất cả mọi người”, Riddell nói thêm. “Tôi nghĩ liệu pháp miễn dịch cuối cùng đã chứng tỏ nó là trụ cột của điều trị ung thư”. Ngoài ra, ông cũng hy vọng phương pháp này có thể dùng để đối phó với các khối u, nhưng đó rõ ràng là một thách thức không hề nhỏ.
Một trong những hệ quả của chứng ngưng thở khi ngủ là tình trạng thiếu oxy khiến cơ thể hoặc nội tạng không được cung cấp đầy đủ chất khí. Giờ đây, nghiên cứu trên chuột do bác sĩ Antoni Vilaseca từ Đại học Barcelona (Tây Ban Nha) được trình bày tại Hiệp hội Tiết niệu Châu Âu (EAU) cho thấy rối loạn giấc ngủ tạo cơ sở cho ung thư phát triển.
Ảnh: nrttv.com.
Theo Medical Daily, các nhà khoa học đã nghiên cứu 24 con chuột mắc ung thư thận. Họ nhận thấy 12 con bị thay đổi nồng độ oxy hấp thụ cho giống với chứng thiếu oxy liên tục ở bệnh nhân ngưng thở khi ngủ, số lượng tiền thân mạch cùng tế bào nội mô trong các khối u thận gia tăng nhanh chóng. Những tế bào này hỗ trợ hình thành và tái tạo mạch máu nhằm vận chuyển oxy, chất dinh dưỡng đến các mô, cơ quan. Bên cạnh đó, nhân tố sinh trưởng nội mạc trong khối u cũng xuất hiện nhiều hơn. Như vậy, về cơ bản, thiếu oxy tạo cơ hội cho khối u lấy chất dinh dưỡng để phát triển.
“Tất nhiên đây là nghiên cứu trên động vật nên cần thận trọng khi áp dụng cho người”, tiến sĩ Vilaseca lưu ý. “Dù sao đi nữa, phát hiện trên giải thích vì sao tình trạng thiếu oxy như ngưng thở khi ngủ lại thúc đẩy ung thư”.
Tiến sĩ Arnulf Stenzl, Chủ tịch EAU cho rằng từ công trình này, có thể hiểu không hút thuốc cùng lối sống lành mạnh giúp cơ thể nhận được nhiều oxy hơn nên kiểm soát bệnh tật tốt hơn và nguy cơ ung thư giảm.
Minh Nguyên
Nguồn: VnExpress
"Gót chân Asin" của tế bào ung thư đã được các nhà khoa học nhận diện
“Gót chân Asin” của tế bào ung thư đã được các nhà khoa học Anh nhận diện chính xác. Từ đây mở ra một cuộc cách mạng trong điều trị ung thư, mang lại hy vọng cho những bệnh nhân phải mang “án tử”.
Cho đến nay, các biện pháp điều trị ung thư thường không thành công bởi các tế bào ung thư phát triển,lây lan rất nhanh chóng và thay đổi cấu trúc liên tục khiến thuốc điều trị mất tác dụng.
Và ngay cả khi thuốc điều trị đã tiêu diệt hết các tế bào ung thư, một số tế bào đột biến vẫn tiềm ẩn trong cơ thể và có thể khiến bệnh nhanh chóng quay trở lại.
Toàn bộ quá trình tiêu diệt tế bào ung thư theo liệu pháp mới
Tuy nhiên, các nhà khoa học thuộc Đại học College London (UCL) và Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Anh đã phát hiện ra rằng ngay cả khi biến đổi nhanh chóng, các tế bào ung thư đều mang một “kẻ chỉ điểm” xuất hiện trên bề mặt tất cả các tế bào ung thư trong cơ thể bệnh nhân, giúp hệ miễn dịch nhận diện được tế bào ác tính.
Từ phát hiện này, các nhà khoa học tin rằng có thể phát triển hướng điều trị ung thư mới bằng việc thu thập hết các tế bào miễn dịch và nhân bản chúng trong phòng thí nghiệm với số lượng lớn rồi sau đó đưa trở lại cơ thể người bệnh.
Các tế bào miễn dịch trên với khả năng định vị “kẻ chỉ điểm" này - tức là khả năng nhận biết tế bào ung thư bất kể chúng biến đổi như thế nào rồi tấn công tiêu diệt các tế bào bệnh này kể cả khi nó đã lan khắp cơ thể.
GS Charles Swanton của viện Ung thư thuộc University College London, thành viên chủ chốt của nhóm nghiên cứu, nói: “Trong vòng vài năm tới chúng tôi sẽ sử dụng liệu pháp này cho bệnh nhân ung thư phổ biến như xạ trị ngày nay. Tôi sẽ rất thất vọng nếu không thể điều trị cho một bệnh nhân nào trong vòng hai năm tới bằng giải pháp này. Hy vọng sẽ cải thiện đáng kể tỷ lệ sống cho những bệnh nhân ung thư”.
Nghiên cứu khoa học này đã mở ra hy vọng cho bệnh nhân ung thư
Còn giáo sư Peter Johnson thuộc Trung tâm Nghiên cứu ung thư Anh nói rằng, nghiên cứu đặc biệt này đã mang đến cho chúng ta những căn cứ quan trọng để phát triển hướng điều trị ung thư mới sử dụng hệ miễn dịch của chính người bệnh.
Minh An (Dịch từ Dailymail)
(Theo Tuổi trẻ Thủ đô)
Tổng cộng, Cloud có 23 điểm ung thư trên mặt, ngực, cánh tay, bắp chân và phải chi 27.000 USD để phẫu thuật. Vừa trải qua ca mổ thứ tư, cô thừa nhận đây là hậu quả của việc nhuộm da thường xuyên và không dùng kem chống nắng.
Cloud trước và sau khi phẫu thuật loại bỏ các điểm ung thư. Ảnh: nhân vật chia sẻ.
Theo Self, Cloud dành rất nhiều thời gian ngoài trời. Từ tuổi 20, cô nhuộm da 4 lần mỗi năm. Trong gia đình có người bị ung thư, Cloud vẫn chủ quan cho rằng mình không thể mắc bệnh.
Năm 1995, Cloud sững sờ khi kết quả khám cho thấy cô bị ung thư biểu mô tế bào đáy, một dạng ung thư da. Từ đó, cuộc chiến cam go bắt đầu. Người phụ nữ phải đến bệnh viện, lần lượt thực hiện 4 ca phẫu thuật nhằm lấy đi hết mầm bệnh, bao gồm cắt cơ miệng và di chuyển dây thần kinh. "Hãy nhìn những bức ảnh này. Đó có thể là bạn. Ai cũng có thể bị ung thư da, kể cả những người da ngăm. Thật sai lầm khi nghĩ chỉ người da trắng mới mắc bệnh", Cloud khuyến cáo.
Cơ thể đầy những vết thương sau phẫu thuật của Cloud. Ảnh: nhân vật chia sẻ.
Sau lần phẫu thuật gần nhất vào tháng 9 năm ngoái, Cloud không thể tắm rửa trong 2 tuần và không thể mở to miệng suốt 4 tuần. Các vết thương trên khắp cơ thể cô cần thời gian dài mới hồi phục.
Ở Mỹ, ung thư da là dạng ung thư phổ biến nhất. Để phòng bệnh, bạn nên tránh ánh nắng từ khoảng 10h sáng đến 4h chiều, hạn chế nhuộm da, sử dụng kem chống nắng và kiểm tra da hàng tháng nhằm kịp thời phát hiện dấu hiệu bất thường.
Minh Nguyên
Nhà nghiên cứu Alan C. Geller từ Đại học Harvard (Mỹ) khuyến cáo cộng đồng sử dụng phương pháp ABCD để kiểm tra nốt ruồi nhằm phát hiện sớm nguy cơ ung thư. Theo đó, bạn kiểm tra các yếu tố bất đối xứng (Asymmetry), viền bất thường (Borders), nhiều hơn một màu (Color), đường kính lớn hơn tẩy bút chì (Diameter) để theo dõi nốt ruồi cũng như bảo vệ sức khỏe.
Mới đây Geller đăng tải kết quả một công trình trên tờ JAMA Dermatology, phát hiện 66% trong số 560 bệnh nhân ung thư da có từ 20 nốt ruồi trở xuống, Fox News đưa tin. Kết quả này cho thấy tất cả chúng ta "cần chú ý đến nốt ruồi, xem xét da kỹ lưỡng và đi khám bác sĩ định kỳ", Alan C. Geller nhận định.
Ít nốt ruồi không có nghĩa là bạn sẽ không mắc bệnh ung thư da. Ảnh: Huffington Post.
Nghiên cứu này cũng cho thấy, đối với nhóm bệnh nhân dưới 60 tuổi, khối u ác tính ở người có nhiều hơn 50 nốt ruồi thường mỏng hơn (chỉ dày khoảng 2 mm) so với những ai có dưới 50 nốt ruồi. Độ dày của khối u thể hiện mức độ tấn công vào da của bệnh. Như vậy, nhiều nốt ruồi không hẳn đồng nghĩa với ung thư nghiêm trọng. Ngoài ra, cơ thể bệnh nhân có từ 5 nốt ruồi khác thường, không chứa tế bào hắc tố dễ phát triển khối u dày từ 2 mm trở lên hơn người không xuất hiện loại nốt ruồi này.
Trước đây, nhiều nghiên cứu từng chỉ ra nhiều nốt ruồi là dấu hiệu cảnh báo ung thư da. Công trình trên như lời nhắc nhở người ít nốt ruồi không thể chủ quan, bởi còn nhiều yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh, ví dụ như tiền sử gia đình.
Minh Nguyên
Tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Vì Tiến bộ Khoa học Mỹ, các nhà khoa học Italy lần đầu tiên chứng minh tế bào T được biến đổi tồn tại trong cơ thể người ít nhất 14 năm và hoạt động như một loại văcxin ngăn ung thư tái phát, The Telegraph đưa tin. Nếu thành công, phương pháp mới này sẽ tạo nên đột phá trong ngành y thế giới và thay thế hóa trị vốn gây hại cho tế bào.
Liệu pháp miễn dịch tế bào T khai thác hệ thống miễn dịch của cơ thể thay vì làm hại tế bào như hóa trị và đem đến kết quả vô cùng khả quan. Ảnh: Alamy.
"Tế bào T là sinh dược, có thể sống trong cơ thể chúng ta suốt đời", giáo sư Chiara Bonini từ Viện Khoa học San Raffaele (Italy) giải thích. "Khi còn bé, bạn được tiêm văcxin và được bảo vệ khỏi bệnh tật. Đó là do tế bào T gặp kháng nguyên, được kích hoạt rồi tiêu diệt đồng thời ghi nhớ mầm bệnh. Trong trị liệu ung thư, tế bào T sẽ lưu lại dấu ấn và sẵn sàng nếu ung thư trở lại".
Daniel Davis, giáo sư miễn dịch học tại Đại học Manchester (Anh) nhận định đây là bước tiến quan trọng trong điều trị ung thư: "Bản chất của liệu pháp miễn dịch là biến đổi tế bào T nhằm cung cấp phản ứng miễn dịch lâu dài chống lại ung thư. Phương pháp này đầy tiềm năng tạo nên cuộc cách mạng trong trị liệu ung thư ".
Trong một nghiên cứu độc lập, nhóm nhà khoa học từ Trung tâm nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson ở Seattle (Mỹ) đã sử dụng liệu pháp miễn dịch tế bào T để điều trị ung thư máu cho 26 bệnh nhân ung thư máu tiên lượng chỉ còn sống 2-5 tháng. 18 tháng sau, 24 người khỏi bệnh. "Đó là những bệnh nhân đã thất bại với mọi phương pháp trị liệu", giáo sư Stanley Riddell thuộc nhóm tác giả chia sẻ. "Thật phi thường".
Tất nhiên, ngoài những kết quả tích cực đạt được, liệu pháp miễn dịch tế bào T còn một số thách thức như khó thực hiện, chưa phát huy tác dụng với mọi loại ung thư và chi phí đắt đỏ. Tuy vậy, nó vẫn mang đến hy vọng lớn cho cả y bác sĩ lẫn bệnh nhân. Các nhà khoa học trên khắp thế giới đang tiếp tục phát triển hoàn thiện kỹ thuật này.
Minh Nguyên
Các nhà khoa học đã phát hiện ra cách "chỉ đạo" hệ thống miễn dịch để tiêu diệt tế bào ung thư.
Phương pháp này cho phép hệ thống miễn dịch tìm kiếm và tiêu diệt những dấu hiệu đặc biệt trong khối u, hay còn được gọi là “Gót chân Asin” theo các nhà khoa học. Tuy nhiên, phương pháp này được đánh giá là khá tốn kém, phải thiết kế riêng cho mỗi người và chưa được thử ở bệnh nhân.
Giới y học đã cố gắng chỉ đạo hệ thống miễn dịch để tiêu diệt các khối u trước đây nhưng phần lớn vaccine trị ung thư không mang lại kết quả tốt.
Vấn đề là ung thư không được tạo thành từ các tế bào giống hệt nhau, mà từ một mớ hỗn độn các mã di truyền tại các nơi khác nhau trong khối u.
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy những protein hiếm hoi đóng vai trò như “kẻ chỉ điểm” xuất hiện trên bề mặt tất cả tế bào ung thư trong cơ thể bệnh nhân, giúp hệ miễn dịch nhận diện tế bào ác tính.
Bước đột phá trong công nghệ y học giúp săn lùng và phá hủy mọi tế bào ung thư trong cơ thể mang lại hy vọng cho các bệnh nhân
Có hai phương pháp được đề xuất để tiêu diệt các tế bào đột biến. Đầu tiên là phát triển vaccine ung thư điều khiển hệ thống miễn dịch nhằm phát hiện ra các tế bào đột biến.
Thứ hai là thu thập và nhân bản các tế bào miễn dịch (đã tiêu diệt các tế bào đột biến) trong phòng thí nghiệm với số lượng lớn và sau đó đưa trở lại vào cơ thể người bệnh.
Tuy nhiên, TS Marco Gerlinger từ Viện Nghiên cứu ung thư không chắc chắn lắm về phương pháp này: “Tế bào ung thư thay đổi và tiến hóa liên tục có thể làm mất kháng nguyên ban đầu hoặc xuất hiện kháng nguyên mới khiến hệ thống miễn dịch gặp khó khăn trong việc kiểm soát chúng.”
TS Stefan Symeonides, một nhà khoa học lâm sàng nghiên cứu thuốc điều trị ung thư tại ĐH Edinburgh, cho biết nghiên cứu đã cung cấp một cái nhìn mang tính đột phá về các loại thuốc điều trị miễn dịch hiện tại. Các loại thuốc chữa ung thư mới có giá khoảng 78.000 USD nhưng chỉ kéo dài tuổi thọ của bệnh nhân được hơn hai tháng.
Công trình nghiên cứu nổi bật này được đăng tải trên tạp chí Khoa học (Science) số mới nhất.
Mai Khanh